Thứ Hai, 15 tháng 12, 2008

BÁNH PHỤC LINH

Read more!
I/- VẬT LIỆU:
- 200 gram bột năng. Lấy riêng ít bột năng dùng để láng khuôn.
- 200 gram dừa nạo hoặc nước cốt dừa đóng lon.
- 50 gram đường trắng.
- 10 cọng lá dứa.
- Khuôn làm bánh phục linh.
- Màu thực phẩm (lọai màu nước hay dùng để pha trộn làm kem, bánh kem các loại).
- Rây kim loại.


II/- THỰC HÀNH:

Khuôn làm bánh phục linh

1. Rửa sạch khuôn, để khô ráo. Chuẩn bị khay mâm rộng, xoa lên mặt khay và rắc vào khuôn ít bột năng khô đã để riêng rồi thổi sạch cho khuôn không bị dính.

2. Lá dứa rửa sạch, để ráo, cắt khúc ngắn chừng 3 - 4 phân, cho vào chảo với bột năng, nhỏ lửa, dùng muỗng đũa gỗ hay kim loại – không dùng vật dụng bằng nhựa melanin – đảo đều tay liên tục cho đến khi bột dậy mùi thơm, lấy thử một khúc lá dứa, bóp thấy khô giòn là bột chín. Đổ bột ra, để nguội bớt, rây lược bỏ xác lá dứa. Lưu ý khi rang bột canh lửa cho kỷ, đừng để lửa cao quá bột sẽ bị vàng.


Rang chín bột chung với với lá dứa là cách làm quen thuộc của bếp nam bộ, có tác dụng làm cho mùi thơm tự nhiên của lá dứa thấm vào bột. Ở miền trung nhất là vùng Thừa Thiên Huế, nhiều ngừơi thường dùng cánh hoa lài tươi thay cho lá dứa và cũng cho hoa lài vào chung với bột để rang chín. Có thể thay lá dứa, hoa lài… bằng hương liệu các loại hoa tuỳ thích, với 200 gram bột chỉ cần cho vào 2 -3 giọt hương liệu. Khi rang và thử bột chín tới bằng cách lấy một chút, để nguội, đặt vào lưỡi sẽ thấy bột tan nhanh, không trở dẽo như bột sống.

3. Cho khoảng nửa lít nước ấm vào dừa nạo, nhồi vắt lấy nước, lược lại qua rây cho sạch vụn xác dừa. Dùng khoảng 100 cc. nước cốt dừa + 50 gram đường nấu nhỏ lửa cho tan, để nguội. Tùy ý thay bằng nước cốt dừa đóng lon với số lượng tương đương hoặc chỉ dùng nước lạnh nấu với đường phèn. Phân lượng này vừa đủ cho 200 gram bột, nhưng còn tuỳ chất luợng bột đang có, nên nấu dư thêm ra để gia giảm.

4. Cho bột ra khay, châm từ từ nước cốt dừa vào từng ít một, nhồi đều tay cho bột ướt đều nhưng vẫn ở dạng hột rời chớ không kết thành khối dẽo mịn, thử bột bằng cách cho vào giữa lòng bàn tay một nhúm nhỏ, nắm chặt lại, mở tay ra thấy bột nén kết dính chắc lại nhưng chạm nhẹ bột lại bể ra là được. Chia bột ra làm ba bốn phần, một phần để màu trắng tự nhiên của bột, các phần khác tuỳ ý nhỏ vào vài giọt màu nhồi trộn lại cho đều.Nếu nhồi nhiều nước cho bột dẽo thì vẫn in bánh được nhưng bánh sẽ thành dạng dẽo ướt chớ không khô mịn. Bột nhồi đạt yêu cầu là khi bánh in ra chắc đẹp, để qua vài giờ là khô ráo, khi ăn có thể bẻ thành miếng nhỏ, cho vào miệng, miếng bánh sẽ tan ra dễ dàng. Nhồi bột vào khuôn.


5. In bánh: Để ngửa khuôn, nhận bột vào những lổ khuôn cho chắc tay, dùng dao gọt phần bột dư trên mặt lổ khuôn cho bằng phẳng, úp khuôn xuống mặt khay, gỏ nhẹ cho bánh rời ra khỏi lổ khuôn.
6. Bánh làm xong để qua 2 -3 giờ cho ráo bánh rồi mới cho vào hủ, hộp… đậy kín.
7. Bánh phục linh làm với nước cốt dừa chỉ có thể để qua vài ba ngày. Nếu làm thuần túy bằng nước đường ngọt đậm bánh có thể để lâu hơn. Gỏ bánh ra khỏi khuôn.



8. Nói thêm: Có thể dùng đường trắng loại xay thật mịn, trộn đều vào bột (50 gram đường/ 200 gram bột) rồi dùng nước cốt dừa (không có đường) hay nước lọc để nhồi. Cách làm này cho ra thành phẩm khi ăn vừa cảm thấy vị mát nhưng lạt của bột vừa có vị ngọt của hột đường không lẩn vào nhau. (ST)

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2008

10 BÍ QUYẾT NẤU ĂN NGON

Read more!

Có những công việc bạn đều làm mỗi ngày nhưng chưa chắc đã đạt hiệu quả cao nếu không nắm được các bí quyết của công việc đó. Nấu ăn là một ví dụ, nhất là trong những dịp lễ, Tết, ai cũng muốn tự tay mình chuẩn bị một bữa cơm ngon cho cả nhà hoặc đãi khách. Xin mách bạn một vài bí quyết làm bếp mà có thể bạn chưa biết.

1. Nấu cháo: Muốn cháo không bị trào ra ngoài nồi khi sôi, cho vào cháo một ít dầu ăn, mùi vị càng thơm ngon hơn.
2. Nấu cơm: Nên đun sôi nước trước khi cho gạo vào vì trong nước máy có chất làm cho hao tổn vitamin B1 trong gạo.
3. Luộc mì sợi: Không nên để nước sôi sùng sục mới cho mì vào vì như vậy mì chín không đều. Nên cho mì vào lúc nước bắt đầu nổi bọt lăn tăn, đảo qua vài lần, đậy vung cho tới khi sôi rồi đổ thêm ít nước lạnh, sau khi nước sôi lại thì nhắc xuống.
4. Xào thịt, cá: Nên dùng dầu thực vật, vì trong dầu có chất khử mùi tanh, còn xào rau thì nên dùng mỡ heo, rau xào sẽ thơm, ngon và đẹp mắt hơn.
5. Nêm muối: Nếu là các loại củ thì nên nêm muối sớm hơn để muối thấm vào, còn nếu là rau thì nêm trước khi nhắc xuống để giữ được các chất dinh dưỡng và rau không bị nhũn.
6. Nêm xì dầu: Nếu nêm sớm món xào sẽ có vị chua vì lượng đường trong xì dầu bị phân giải khi gặp nhiệt độ cao, nên nêm xì dầu trước khi nhắc xuống.
7. Nêm bột ngọt hợp lý: Sau khi đã múc đồ ăn ra tô hoặc đĩa (còn nóng) thì mới nêm bột ngọt, nêm sớm sẽ gây ra chất độc hại cho sức khoẻ. Không nên cho trực tiếp bột ngọt vào thức ăn mà nên hoà tan vào một ít nước xào hoặc nước canh rồi mới trộn chung vào.
8. Cách nêm các gia vị: Theo nguyên tắc loại nào lâu thấm thì nêm trước. Ví dụ như phải nêm muối và đường thì đường nêm trước rồi mới tới muối, sau đó là giấm, xì dầu, nước mắm, cuối cùng là bột ngọt. Các gia vị có mùi hương đặc trưng như xì dầu, nước mắm thời gian nấu càng ngắn càng tốt.
9. Dùng nước khi chiên, xào: Khi xào thịt, phải đảo nhanh tay và chế thêm chút nước, thịt sẽ mềm và ngon hơn. Còn khi chiên có thể pha nước vào dầu theo cách: đun sôi 3 phần nước rồi đổ một phần dầu từ từ vào, chờ khi dầu đã nổi hoàn toàn trên mặt nước thì bỏ đồ cần chiên vào.
10. Cách chưng, hấp cá: Ðập một quả trứng và thoa đều lên cá, cá sẽ hấp thụ các chất trong trứng và thức ăn trở nên ngon, bổ hơn.

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2008

BÚN NƯỚC LÈO SÓC TRĂNG

Read more!
Bún nước lèo Sóc Trăng là một món ăn Nam bộ đặc trưng rất ít dầu mỡ, giàu đạm, ăn kèm các loại rau nên nhiều chất xơ. Để nấu món này, nên có cây ngải bún vì đây là gia vị khử mùi tanh của mắm và làm thơm nước lèo.

NGUYÊN LIÊU (CHO 10 TÔ LỚN):
o Mắm sặc ngon: 500g
o Tép bạc đất : 500g
o Cá lóc : 700g / 1 con
o Thịt heo quay: 200g
o Ngải bún: 200g, đập dập
o Sả: 5 cây, đập dập
o Dừa xiêm: 2 trái
o Hẹ: 100g
o Giá: 200g
o Rau ghém: rau sống, bắp chuối, rau muống…
o Chanh, ớt
o Muối, đường
o Bún

CÁCH LÀM:
Mắm sặc nấu với 1 lít nước, sôi hớt bọt kỹ, lọc bỏ xương lấy nước. Cho nước mắm vào nấu chung với nước luộc tép, cá, nước dừa xiêm và thêm nước lã cho đủ 10 tô. Sau đó cho ngải bún, sả cây vào nấu sôi, đây là giai đoạn quan trọng phải hớt bọt thật kỹ thì nồi nước lèo mới trong. Nêm nếm lại cho vừa ăn là được. Trình bày: cho bún đã trụng vào tô, xếp cá đã gỡ bỏ xương, thịt heo quay cắt miếng mỏng, tép, cho thêm hẹ cắt khúc cỡ 2cm lên trên mặt. Múc nước lèo sôi cho vào tô ăn kèm với rau ghém, chanh, ớt.

(Đầu bếp NGỌC HẠNH- quán bún nước lèo Vườn Chuối giới thiệu)

GÀ NẤU RƯỢU NẾP

Read more!
Gà nấu rượu nếp là món ăn rất đặc biệt của miền quê Nam bộ. Món ăn này không chỉ ngon miệng mà còn rất bổ dưỡng và có tác dụng kích thích tiêu hóa.

Nguyên liệu:
- 1 con gà ta (khoảng 1,5 kg) làm sạch và để ráo

- 200 ml rượu gạo hoặc rượu nếp

- 2 muỗng súp tỏi băm nhuyễn
- Gia vị gồm có: dầu ăn, muối, tiêu, đường, nước tương và hạt nêm từ thịt
- 2 cây xà lách Đà lạt
- 2 quả cà chua

Cách làm:
- Ướp gia vị trong và ngoài con gà gồm: 2 muỗng canh tỏi băm, 2 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê tiêu và 1 muỗng cà phê hạt nêm từ thịt. Để 1 giờ cho thấm gia vị.
- Cho nguyên con gà vào nồi, để lửa riu riu 1 phút, mở hé nắp nồi cho vào 200 ml rượu nếp, đậy kín nắp lại. Tiếp tục nấu trên lửa riu riu trong vòng 15 - 20 phút thì gà sẽ chín mềm và thấm gia vị.
- Dọn kèm thịt gà với nước tương hoặc muối tiêu chanh và bánh mì nếu muốn ăn no.
Mẹo vặt: Khi thực hiện món gà nấu rượu nên cho thêm vào 2 muỗng canh dầu ăn để da gà căng bóng, món ăn trông sẽ hấp dẫn hơn.


(Theo Sức Sống Mới)